TTTD – Mặc dù lãi tăng nhưng dòng tiền kinh doanh của Văn Phú – Invest đang dần cạn kiệt, khối nợ phải trả hơn 6.400 tỷ đồng, cao gần gấp đôi vốn chủ sở hữu.

Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest (mã CK: VPI) vừa công bố báo cáo tài chính phần nào thể hiện được tình hình kinh doanh cũng như sức khỏe tài chính của công ty.

Theo đó, quý IV/2021, Văn Phú – Invest ghi nhận doanh thu thuần 1.982 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 247,3 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2021, Văn Phú – Invest đạt doanh thu thuần 2.622 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2020. Tuy nhiên, do giá vốn tăng mạnh hơn nên lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt 643,8 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2020.

Nhờ tiết giảm chi phí tài chính cộng với lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng nên lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Văn Phú – Invest đạt 345,3 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2020.

Văn Phú - Invest: Nợ cao gấp đôi vốn sở hữu, cạn kiệt dòng tiền
Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest (mã CK: VPI)

Đáng nói, mặc dù lợi nhuận tăng nhưng dòng tiền của Văn Phú – Invest đang cạn dần.

Cụ thể, đến cuối năm 2021, dòng tiền kinh doanh của công ty chỉ ở mức 57 tỷ đồng, trong khi đó đầu năm có tới 1.709 tỷ đồng. Tương tự, dòng tiền hoạt động đầu tư âm tới 773,2 tỷ đồng, cuối năm 2020 âm 335,1 tỷ đồng.

Trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp, dòng tiền kinh doanh biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Nếu dòng tiền âm hoặc dương không đáng kể có thể cho thấy tình hình tài chính có vấn đề.

Văn Phú - Invest: Nợ cao gấp đôi vốn sở hữu, cạn kiệt dòng tiền
Ông Tô Như Toàn – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Văn Phú – Invest

Mặt khác, tính đến cuối năm 2021, nợ phải trả của Văn Phú – Invest ở mức 6.453 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ ở mức 3.420 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả của Văn Phú – Invest đã gần gấp đôi vốn chủ sở hữu.

Việc nợ phải trả cao gần gấp đôi so với vốn chủ sở hữu có nghĩa nguồn vốn hoạt động của Văn Phú – Invest hầu như là các khoản nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp rủi ro trong việc trả nợ càng lớn.

Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào họ có thể chi trả cho các hoạt động.

Với tình hình nợ như trên, chưa nói trước được việc Văn Phú – Invest có mất cân đối tài chính hay không nhưng nhưng ít nhiều cũng tiềm ẩn rủi ro.

Được biết, hiện tại, ông Tô Như Toàn đang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Văn Phú – Invest, còn ông Triệu Hữu Đại là Tổng Giám đốc.

Văn Thành Nhân

Theo Tuổi trẻ thủ đô

https://tuoitrethudo.com.vn/van-phu-invest-no-cao-gap-doi-von-so-huu-can-kiet-dong-tien-190404.html

Bình luận về bài viết này